24/1/11

NHỔ BÉNG “CHIẾC RĂNG SÂU” HẬN THÙ


Tôi ghét cả nhà.
Ngôi vị của tôi ở nhà thật trớ trêu. Chị gái xinh hơn tôi. Vì muốn có con trai, bố mẹ nhất quyết sinh thêm đứa nữa, thế là sinh ra tôi, vẫn là gái. Sau đó, lại sinh thêm một đứa nữa - em trai tôi. Em nó đương nhiên được chiều chuộng nhất nhà.

Quan niệm của bố mẹ là, con gái sẽ đi lấy chồng, chả quan trọng gì đối với cái nhà này, nuôi chúng nó lớn lên là tốt lắm rồi!
Chị không ho he, mỗi mình tôi hay cãi lại: “Tại sao? Nếu thế, bố mẹ đẻ con ra làm gì!” Tôi bị ăn đòn liền. Tức thật! Tôi thề sẽ trả thù mọi người, sẽ cho mọi người biết tay.
Trong ba chị em, tôi học giỏi nhất, vì người ngợm không có điểm gì đặc biệt, nên tôi dồn hết tâm trí vào việc học. Con tim bé nhỏ của tôi chứa đầy hờn giận như cái mầm non, to dần lên theo năm tháng.
Tôi trở nên trầm tư và ít nói, thường chỉ một mình ôm sách, một mình đóng chặt cửa. Chỉ là học thôi, thế mà mẹ cũng hay cằn nhằn về tội lãng phí điện. Tôi bèn ra ngoài ngồi dưới cửa sổ nhà hàng xóm, nhờ ánh điện của họ học đến đêm khuya.
Tôi là một đứa con gái gan lỳ, gan lỳ đến mức không biết chảy nước mắt. Cả thị trấn chỉ có một người thi đỗ cấp ba, đó là tôi.
Bố mẹ không cho tôi đi học. Học cấp ba phải nội trú, riêng tiền cơm một tháng đã tốn mấy trăm tệ. Tôi nói với bố mẹ: “Con không ăn ở trường, con mang cơm đi học, mang mấy cái màn thầu (bánh bao chay) đủ ăn cả một tuần.” Thế là tôi đi học.
Tôi cảm thấy tự do vô cùng. Một tuần về nhà một lần, mang đủ màn thầu cho một tuần. Mùa đông còn đỡ, màn thầu không bị thiu. Mùa hè, có khi màn thầu bị thiu, tôi tiếc không dám vứt đi, cứ thế ăn như ngày thường. Ăn xong đau bụng, một ngày chạy mấy bận nhà xí, nhưng tôi không khóc tý nào.
3 năm cấp ba, tôi đều đứng đầu toàn trường. Có điểm thi đại học, tôi đỗ thủ khoa toàn thành phố, vào thẳng trường đại học Bắc Kinh. Cả huyện lỵ xôn xao. Mọi người không ngớt thán phục: Xem kìa, 3 năm ăn màn thầu suông, thế mà vẫn thi vào trường đại học Bắc Kinh.
Vào trường đại học Bắc Kinh, tôi vẫn trầm tư ít nói. Tôi đi làm, kiêm luôn mấy việc để không phải nhận một xu của bố mẹ. Vì, nội tâm băng giá của tôi chối bỏ hơi ấm tình yêu, chỉ sợ người ta ám hại mình.
4 năm liền, tôi trao mình cho sách vở. Với điểm thi Toefl cao nhất trường, tôi được sang Mỹ học bằng học bổng toàn phần. Lại làm xôn xao cả huyện lỵ - nó là người đầu tiên ra nước ngoài học của huyện ta!
Nhưng tôi không về nhà, không dành cho bố mẹ một chút sĩ diện hão nào. Bây giờ, tôi là của tôi, chả liên quan gì đến họ.
Đến Mỹ, tôi vẫn bó gọn một mình, không giao du với ai, trơ trọi cõi lòng. Không có cảm giác tình thân, không tin tưởng đàn ông. Thế giới của tôi, chỉ có mỗi mình tôi.
Thế rồi bỗng dưng tôi ốm. Mà chả bệnh gì ra bệnh gì cứ nhùng nhằng suốt. Tôi đi khám bác sĩ tâm lý. Bác sĩ nói, tôi tự khép kín mình quá, lòng tôi chứa đầy hận thù. Trong lòng ngập tràn thù hận, làm gì còn chỗ cho niềm vui. Tôi cần học lấy yêu, chỉ có yêu mới có thể nhổ đi chiếc răng sâu ăn mòn tâm hồn tôi.
Tôi vô cùng sửng sốt: Thế ư? Nghiêm trọng thế?
Trước đây do bố mẹ hay đánh chửi tôi, nên tôi cắt đứt liên lạc với gia đình. Nửa đêm hôm ấy, lần đầu tiên, tôi bấm số điện thoại của nhà mình. Mẹ tôi không nghe ra tiếng tôi.
Sau khi tôi gọi tiếng “mẹ”, mẹ tôi oà khóc, khóc nức nở, nghẹn ngào gọi bố: “Ông ơi, con gái gọi điện về, con gái gọi điện về...” Bố tôi giành lấy máy, nói như gào ấy: “Con ơi, con ơi...” rồi không nói thêm được gì nữa.
Sau đó, chị gái, em trai chạy lại, giọng nói đứt quãng vì xúc động, ai nấy mừng quýnh lên như vừa được tôi ban phát ân sủng. Đặt máy xuống, tôi ngồi bần thần thâu đêm.
Hôm sau, người tôi vẫn thẫn thờ như người mất hồn. Tôi quyết định về nước.
Về nước! Một quyết định chớp nhoáng. Đã bao nhiêu năm rồi tôi chưa về nhà? Tôi mang theo gói to gói nhỏ - cả nhà ai cũng có quà.
Xuống máy bay, tôi đi taxi về thẳng quê nhà. Bước vào cổng, tôi mới nhận ra, nhà cửa cũ kỹ quá rồi. Hai cây táo vẫn còn đó, đang nở hoa, tỏa mùi hương thơm dìu dịu.
Mẹ hay nổi nóng đã già đi nhiều, đang ngồi dưới gốc cây nhặt rau cần, đầu tóc bạc phơ. Bố hay đánh con ngồi trên chiếc ghế bẩn thỉu. Khi ngẩng đầu nhìn thấy tôi, ánh mắt bố mẹ có vẻ hoảng hốt, giơ hai tay ra, đứng sững, không biết làm gì, nói gì, làm như tôi là khách thượng lưu đi lạc nhà.
Phải rồi, tôi ăn mặc tân thời quá, so với cô bé gày gò, đen thui năm nào, giống như hai người khác hoàn toàn!
Mẹ tôi chạy lại, đứng sững trước mặt tôi, không dám ôm lấy tôi. Sự nín lặng kéo dài hồi lâu.
Mãi đến khi tôi kêu lên tiếng: “Mẹ!” Mẹ tôi mới bật khóc, đứng lau nước mắt. Tôi tin tôi là con gái rất gan lỳ, không biết chảy nước mắt. Nhưng khi bố tôi lại gần ôm lấy tôi thì thào: “Con ơi, con về đấy hả!” Thì nước mắt tôi ứa ra, lăn dài trên má.
Tôi đem số tiền tôi mang về chia cho mọi người, bố mẹ một xuất, chị gái một xuất, em trai một xuất. Bố mẹ có tiền dưỡng lão, chị gái mua căn nhà trên huyện lỵ, em trai có ý định mở cửa hàng từ trước, bây giờ đã có vốn. Làm xong những việc này, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Thì ra, nhổ béng cái răng sâu hận thù, con người có thể sung sướng đến nhường vậy.
Bạn hỏi tâm sự năm 2010 của tôi? Thì đấy, tôi vừa kể với bạn đấy. Ở đời, đừng cố chấp, đừng cực đoan. Mọi sự trên đời, có mặt tốt ắt có mặt xấu. Đừng vì cái xấu chối bỏ cái tốt, cũng đừng vì cái tốt tảng lờ cái xấu. Nói thì dễ, làm được thật khó. Như tôi đây, phải mất từng ấy năm mới ngộ ra điều đó!
Đỗ Quyên (dịch)
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét